http://static.ybox.vn/2021/3/3/1615374587896-image.png

“Giáo dục, tương lai và đổi mới” được viết bởi tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy với góc nhìn và những phân tích mang tính thực tiễn cao.

Đây như là cuốn nhật ký ghi chép hành trình "đi học" trong và sau học bổng Eisenhower Fellowships của tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu.

Trong chương đầu của cuốn sách, tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu phân tích sáu “cái bóng” của giáo dục hôm qua như: Tư duy môn học đơn lẻ; Nỗi ám ảnh mang tên quá khứ; Kiểm tra, thi cử thường xuyên như đi chợ; Học là phải có nghề; Cặp đôi bền vững “ghi chép” và “ghi nhớ”; Vai trò “lệch” của thầy cô.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu lập luận, phần lớn đột phá trong giáo dục và trường học đều quy tụ về bốn mấu chốt chính: Kiểm tra đánh giá, chương trình học, đào tạo giáo viên, sự đồng hành của cộng đồng. Trong đó, giáo viên được coi là trái tim bất biến của giáo dục, là nền móng vững chãi cho mọi đột phá từ xưa đến nay.

Đối với sự phát triển tự nhiên và lâu dài của học sinh, điều cần thiết là sự tương tác của con người. Theo tiến sĩ Chí Hiếu, nó là thứ không bao giờ có thể trống vắng hay thiếu hụt trong giáo dục.